Bà nội Phàn lập tức nhéo một cái vào tay anh ta:
“Nói cái kiểu gì thế hả? Ăn được là có phúc!”
Bà quay sang tôi, lập tức đổi sang gương mặt đầy yêu thương, xoay đĩa xúc xích lại phía tôi rồi gắp thêm mấy miếng nữa vào bát:
“Biên Hạnh à, con gầy thế này, phải ăn nhiều vào mới được.”
Ăn xong, bà nội còn bắt Phàn Nhất Hàng gói cho tôi mấy túi to xúc xích mang về.
Tôi cảm động đến muốn rơi nước mắt – lần này về nhà coi như có cái để báo cáo với mẹ rồi.
“Cảm ơn bà nội Phàn nhiều lắm ạ. Mấy cái này bao nhiêu tiền, con chuyển cho bà nhé.”
Bà vừa nghe thế đã vội vàng xua tay:
“Không không, không lấy tiền. Toàn là để cho cháu dâu bà ăn, sao mà lấy tiền được chứ!”
Tôi còn định nói thêm gì đó thì Phàn Nhất Hàng đã đẩy vai tôi ra cửa:
“Được rồi, được rồi, đừng có vừa được lợi vừa giả vờ ngoan hiền nữa. Không mau về là mẹ em ở nhà chờ sốt ruột đấy.”
Tôi cưỡi chiếc xe điện nhỏ, chở đầy chiến lợi phẩm về nhà.
Mẹ tôi vừa nghe tôi mang về mấy túi xúc xích, dù đang chuẩn bị đi ngủ cũng lập tức bật dậy làm đồ ăn khuya.
“Đúng là cái mùi này rồi… ngon quá trời ơi, thật sự quá ngon luôn.”
Tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng khiến người mẹ ăn không ngon ngủ không yên của tôi ăn được chút gì đó.
Tôi lên WeChat chuyển khoản cho Phàn Nhất Hàng tiền xúc xích, nhưng anh ta không nhận.
Còn gửi lại một câu mỉa mai:
【Muốn dùng tiền để dứt khoát cho xong à? Biên Hạnh, những gì em nợ anh cả đời này cũng không trả hết được đâu. Cứ nợ đi.】
3
Phàn Nhất Hàng thật sự chẳng thay đổi gì cả.
Vẫn cái kiểu khiến người ta muốn “đấm”, vẫn cái nét trẻ con chưa chịu rời đi trên người anh ấy.
Dư Phi gọi điện cho tôi, vừa nhấc máy đã nghe thấy giọng cô ấy ồn ào vang lên:
“Biên Hạnh, cậu về ăn Tết mà cũng không nói với ai một câu hả? Cả nhóm bạn học đều chờ cậu về để họp lớp đấy nhé! Ở Bắc Kinh lâu rồi, giờ coi thường tụi này, chẳng thèm họp mặt nữa à?”
“Làm gì có đâu, tớ mới về hôm kia thôi, mấy hôm nay toàn bận đưa mẹ đi dạo phố.”
“Lần này định ở mấy ngày?”
“Lần này không đi nữa.”
“Không đi nữa á?”
“Ừ, mẹ tớ sức khỏe không tốt, tớ ở xa không yên tâm.”
Đầu dây bên kia im lặng vài giây, Dư Phi thở dài:
“Tớ cứ tưởng với tính cách của cậu thì có đánh chết cũng không chịu quay về nữa cơ, năm đó Phàn Nhất Hàng năn nỉ cậu đừng đi, cậu vẫn cứ nhất quyết bỏ đi.”
“Hồi đó còn trẻ mà.”
“Cậu không biết đâu, sau khi chia tay cậu, cậu ấy sa sút tinh thần suốt một thời gian dài. Họp lớp không ai dám nhắc đến tên cậu, nhắc đến là mặt cậu ấy tối sầm lại ngay.”
Tôi cúp máy, lặng lẽ ngồi bên giường, nhìn ra con ngõ nhỏ hẹp dưới lầu mà thẫn thờ.
Dưới ánh đèn đường, chiếc ghế dài nhỏ ấy lưu giữ biết bao kỷ niệm của tôi và anh.
Bất kể xuân hạ thu đông, anh luôn ngồi đó, ngước mắt nhìn về phía cửa sổ phòng tôi, lặng lẽ đợi chờ không một lời oán trách.
Mọi người đều nói tôi phụ anh ấy – thực ra đúng là như vậy.
Chúng tôi từng là cặp đôi khiến ai cũng ngưỡng mộ. Phàn Nhất Hàng thi đại học được nhiều hơn tôi hơn sáu mươi điểm, vốn dĩ có thể vào trường tốt hơn.
Vậy mà chỉ để được ở bên tôi, anh ấy sẵn sàng nộp hồ sơ vào cùng một trường đại học với tôi – một trường bình thường trong tỉnh.
Vì chuyện này mà anh ấy còn cãi nhau với gia đình nữa.
Tôi cảm thấy rất áy náy, từng ôm anh mà bật khóc.
Nhưng anh ấy chỉ mỉm cười an ủi tôi:
“Không sao đâu, là anh muốn dính lấy em, không liên quan gì đến em cả. Với lại, với năng lực của anh thì ở đâu anh cũng sẽ toả sáng thôi.”
Và đúng là anh ấy rất toả sáng. Trong thời gian học đại học, thành tích luôn đứng đầu, cuối cùng còn được tuyển thẳng lên học cao học.
Ban đầu tôi cũng định học cao học cùng anh, điểm số cũng đủ, lại trúng tuyển cùng một trường với anh.
Nhưng rồi mẹ tôi phát bệnh, cần tiền để phẫu thuật.
Tôi không thể tiếp tục học lên, đành ký hợp đồng với một công ty lớn và đến Bắc Kinh làm việc.
Phàn Nhất Hàng từng suy sụp. Anh biết tôi bỏ học để kiếm tiền lo viện phí cho mẹ.
Anh khóc, van xin tôi:
“Để anh lo tiền phẫu thuật cho em, đừng đi được không?”
Khi đó, lòng tự trọng quá lớn và khoảng cách giàu nghèo như một vết thương tôi luôn giấu kín trong tim, là điều khiến tôi không thể thỏa hiệp.
Tôi muốn trở nên tốt hơn, tốt đến mức có thể đứng ngang hàng với anh, để nỗi tự ti trong lòng tôi có thể tan biến.
Tôi cười xoa dịu anh:
“Em chỉ đi làm thôi mà, có phải chia tay đâu. Mình vẫn có thể gọi video mỗi ngày, nghỉ lễ em sẽ về thăm anh.”
Nhưng thực tế là… tôi đã đánh giá quá cao bản thân mình.
Khi những ngày tăng ca không phân ngày đêm bắt đầu ăn mòn cuộc sống của tôi, tôi đã không còn đủ tâm trí để duy trì mối quan hệ của hai đứa nữa.
Những tin nhắn anh gửi, tôi không kịp trả lời. Anh dần suy sụp.
“Biên Hạnh, em có thể đừng lúc lạnh lúc nóng như vậy được không? Đừng dày vò anh nữa được không?”
“Em chỉ là mệt thôi, em rất bận. Anh có thể hiểu cho em một chút không?”
“Hiểu ư? Em nhìn lại xem lần cuối em gọi video cho anh là khi nào?”
Tôi ngồi trong văn phòng, nhìn chằm chằm vào bản kế hoạch vừa bị từ chối trong email, đầu đau như búa bổ, lòng thì đầy rối loạn.
“Em thực sự rất bận, anh ngủ trước đi, đã một giờ sáng rồi. Có gì mai nói sau nhé.”
Đầu dây bên kia vang lên tiếng cười lạnh của anh:
“Em có người khác rồi đúng không?”
Khoảnh khắc ấy, giữa chúng tôi là một khoảng lặng nặng nề. Có một sợi dây trong lòng tôi đứt phựt.
“Phàn Nhất Hàng, anh bị điên à?”
“Biên Hạnh, nếu em muốn chia tay thì cứ nói thẳng ra. Mẹ kiếp, anh cũng đâu phải loại đàn ông khúm núm van xin từng ngày!”
“Được thôi, chia thì chia!”
Tôi cúp máy, nhìn ra khung cảnh hoa lệ về đêm của Bắc Kinh qua cửa kính lớn, nước mắt rơi không ngừng.
Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được gói hàng mà Phàn Nhất Hàng đã gửi cho tôi từ nhà anh.
Nguyên một thùng xúc xích Phàn Ký, toàn là loại thịt nửa nạc nửa mỡ ngon nhất — chỉ vì một lần tôi vô tình nói rằng mình nhớ hương vị xúc xích ấy.
Cả thùng xúc xích đó, tôi không dám ăn lấy một cây.
Tôi mang hết chia cho đồng nghiệp.
Tôi sợ chỉ cần ăn một miếng thôi, tôi sẽ không kiềm được mà quay đầu tìm anh.
Nhưng tôi không thể thay đổi cuộc sống bận rộn khi ấy của mình, mà điều đó lại quá bất công với anh.
Tôi chỉ có thể khiến anh thêm tổn thương, thêm mệt mỏi.
Cứ thế, chúng tôi dần dần xa nhau.
Chúng tôi chia tay không phải vì hiểu lầm, cũng không có người thứ ba.
Lý do chia tay, chẳng qua là một cơn bùng nổ cảm xúc từ một chuyện nhỏ nhặt nào đó.
Chúng tôi rất giống nhau — đều cứng đầu, đều có lòng tự trọng cao ngất trời.
Đã nói chia tay là ai cũng dứt khoát biến mất khỏi cuộc sống của người kia.
Mỗi dịp Tết về quê, tôi chưa từng đi họp lớp, chỉ vì sợ phải gặp lại anh.
Duyên phận của chúng tôi… có lẽ đã cạn sạch rồi.
4
Năm nay, Dư Phi năn nỉ mãi, nhất quyết bắt tôi đi họp lớp.
“Cậu mà không đi là mất vui lắm đó. À mà cậu chưa biết nhỉ? Trương Dực từ nước ngoài về rồi đấy!”
Nghe đến cái tên Trương Dực, tôi hơi sững người một lúc mới hoàn hồn.
Đó chính là nam thần mà tôi từng thầm thích.
Phàn Nhất Hàng ngày đó còn vì chuyện này mà ghen phát điên.
Thời thanh xuân non nớt, chẳng thể phân biệt rõ giữa thích và cảm mến, tôi lén viết những cảm xúc dành cho Trương Dực vào nhật ký.
Sau đó cuốn nhật ký bị một thằng bạn tinh quái trong lớp lén đọc, rồi công khai bí mật ấy cho cả lớp biết.
Mọi người đều cười nhạo tôi “không biết lượng sức”, tôi cắn răng chịu đựng, vừa lau những hình vẽ nhục mạ trên bảng vừa cố kìm nước mắt.
Phàn Nhất Hàng mặt tối sầm, bước đến bên tôi, lấy áo khoác đồng phục trùm lên đầu tôi, vòng tay ôm vai kéo tôi rời khỏi lớp.
Tôi vẫn nhớ như in giọng nói trầm ổn của anh vang bên tai:
“Không sao, có anh ở đây rồi.”
Bên cạnh vang lên tiếng cười giễu cợt của thằng bạn cùng lớp:
“Phàn Nhất Hàng, Biên Hạnh thích là Trương Dực cơ mà, cậu làm con chó theo đuôi thế à?”
“Đệt mẹ mày!”
Ngay giây sau, tay anh rời khỏi vai tôi, anh lao lên và đấm nhau với thằng đó.
Những dãy bàn ghế ngay ngắn bị xô lệch, sách vở rơi vãi khắp nơi.
Tôi hoảng hốt chạy đến kéo Phàn Nhất Hàng lại:
“Đừng đánh nữa!”
Anh tức đến đỏ mắt, vì muốn những kẻ lắm mồm im miệng, mà đánh đến mức ngón út tay phải bị gãy.
Còn người mà tôi từng thầm thương – Trương Dực – lại ngồi ngay ngắn ở góc lớp, đeo tai nghe, tập trung làm bài nghe tiếng Anh.
Tựa như tất cả ồn ào xung quanh chẳng hề liên quan gì đến cậu ta.
Tôi cảm thấy mình như một con hề, khóc đến mức chẳng dám ngẩng đầu lên.
Phàn Nhất Hàng thở dài, nhét ly trà sữa mới mua vào ngăn bàn tôi:
“Đừng khóc nữa, Trương Dực không đáng đâu. Hay em thích anh đi, anh cái gì cũng mua cho em.”
Tôi nhìn ánh mắt chân thành và rực lửa của anh, bật cười thành tiếng.
Người giống hề hơn cả tôi… chính là Phàn Nhất Hàng. (cười)